BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1551/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC CÁCH LY Y TẾ TẠI CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;
Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19;
Căn cứ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19.
Điều 2. "Hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19" được áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
HƯỚNG DẪN
TỔ CHỨC CÁCH LY Y TẾ TẠI CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1551/QĐ-BYT ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
A. MỤC ĐÍCH VÀ PHẠM VI
I. MỤC ĐÍCH
Khoanh vùng, cách ly tại chỗ toàn bộ khu vực có ca bệnh xác định mắc COVID-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh để dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các khu vực khác của cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng.
Ca bệnh được xác định có thể là: các cán bộ y tế; người bệnh đang điều trị, phục hồi chức năng (sau đây gọi là bệnh nhân nội trú); người chăm bệnh nhân; người cung cấp dịch vụ, người đến thăm người bệnh; sinh viên, học sinh, học viên học tập tại cơ sở khám, chữa bệnh được xác định mắc COVID-19 (sau đây gọi là ca bệnh).
II. PHẠM VI
1. Áp dụng hướng dẫn này khi tổ chức và thiết lập cách ly từ một khoa, phòng trở lên hoặc cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh.
2. Không áp dụng hướng dẫn này đối với thiết lập khu cách ly, buồng cách ly đã được quy định tại Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/02/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 (COVID-19) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi là Quyết định 468/QĐ-BYT).
B. CƠ SỞ PHÁP LÝ
- Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
- Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.
C. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN
1. Phải thực hiện các biện pháp cách ly ngay sau khi xác định có ca bệnh mắc COVID-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh.
2. Đảm bảo an toàn và duy trì hoạt động khám, chữa bệnh đối với các bệnh nhân đang điều trị nội trú tại đơn vị.
3. Không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện cách ly.
D. PHÂN LUỒNG CÁCH LY
Khi phát hiện có ca bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh thì thực hiện phân luồng cách ly như sau:
1. Ca bệnh: Lập tức chuyển ca bệnh về khu cách ly hoặc buồng cách ly đã được thiết lập theo hướng dẫn tại Quyết định số 468/QĐ-BYT hoặc chuyển ca bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác được phép thu dung, điều trị theo chỉ định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh.
2. Bệnh nhân nội trú và người chăm sóc bệnh nhân nặng không có nguy cơ mắc COVID-19: Chuyển sang các khoa, phòng khác không có nguy cơ nhiễm bệnh để tiếp tục điều trị hoặc chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh khác.
3. Bệnh nhân nội trú và những người chăm sóc bệnh nhân nặng có nguy cơ mắc COVID-19: Thực hiện cách ly tại chỗ (khoa, phòng đang điều trị, phục hồi chức năng hoặc đơn vị khác trong cơ sở khám, chữa bệnh).
4. Người quản lý, chuyên gia, nhân viên y tế (sau đây gọi chung là cán bộ y tế) có nguy cơ mắc COVID-19:
- Thực hiện cách ly ngay tại đơn vị để đảm bảo duy trì hoạt động khám, chữa bệnh. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh bố trí được khách sạn lưu trú ngoài thời gian làm việc cho cán bộ y tế thì thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định 1462/QĐ-BYT ngày 30/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly tại khách sạn cho cán bộ y tế trong phòng, chống dịch COVID- 19” (sau đây gọi là Quyết định số 1462/QĐ-BYT).
- Đối với các trường hợp không có mặt tại cơ sở khám, chữa bệnh khi thiết lập vùng cách ly thì thông báo cho cá nhân đó để tư vấn theo dõi sức khỏe, xét nghiệm, điều trị và cách ly theo quy định.
5. Người chăm sóc bệnh nhân (trừ trường hợp chăm sóc bệnh nhân nặng), người cung cấp dịch vụ, người thăm bệnh nhân và các trường hợp khác:
- Nếu tiếp xúc gần với ca bệnh: Thực hiện cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế do Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh quyết định.
- Nếu tiếp xúc với người tiếp xúc gần với ca bệnh: Tự theo dõi sức khỏe và cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.
- Các trường hợp khác: Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú và hạn chế đến nơi công cộng.
E. TỔ CHỨC CÁCH LY TẠI CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH
I. QUY MÔ KHOANH VÙNG CÁCH LY
Căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định quy mô cụ thể như sau:
1.1. Quy mô khoa, phòng: Tại khoa, phòng phát hiện có từ một ca bệnh.
1.2. Quy mô liên khoa, phòng: Khi ca bệnh có tiếp xúc với người ở khoa, phòng khác liền kề hoặc trong cùng một khu vực.
1.3. Quy mô toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh: Khi ca bệnh có tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều khoa, phòng trong cơ sở khám, chữa bệnh hoặc khi không xác định được phạm vi và nguồn lây nhiễm.
1.4. Lưu ý: Đối với ca bệnh có liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ của cơ sở khám, chữa bệnh:
- Nếu liên quan đến một khoa, phòng thì áp dụng quy mô khoa, phòng;
- Nếu liên quan đến nhiều hơn một khoa, phòng khác liền kề thì áp dụng quy mô liên khoa, phòng;
- Nếu liên quan đến nhiều khoa, phòng thì áp dụng quy mô toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh.
II. QUYẾT ĐỊNH THIẾT LẬP VÙNG CÁCH LY
1. Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh quyết định thiết lập cách ly đối với quy mô khoa, phòng và quy mô liên khoa, phòng.
2. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ, ngành quyết định thiết lập cách ly đối với quy mô toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh trên cơ sở đề nghị của Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ, ngành.
3. Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh quyết định thiết lập cách ly đối với quy mô toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Y tế và Thủ trưởng cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế.
III. THỜI GIAN CÁCH LY
Cách ly tối thiểu 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với ca bệnh cuối cùng tại khu vực cách ly và có hai lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
IV. THIẾT LẬP VÙNG CÁCH LY
4.1. Đối với quy mô khoa, phòng và quy mô liên khoa, phòng
4.1.1. Trạm gác
- Bố trí trạm gác ở cổng hoặc các lối ra vào. Trạm gác có bảo vệ trực 24/24 giờ hàng ngày do lực lượng bảo vệ/lực lượng an ninh tại cơ sở khám, chữa bệnh đảm nhiệm, nếu cần Thủ trưởng đơn vị có thể yêu cầu lực lượng công an địa phương hỗ trợ.
- Tuyệt đối không cho phép những người không có nhiệm vụ vào vùng cách ly.
- Đặt biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “KHU VỰC CÁCH LY Y TẾ - KHÔNG NHIỆM VỤ MIỄN VÀO”.
- Những người ra, vào khu vực cách ly phải được đo thân nhiệt.
- Bố trí điểm rửa tay với xà phòng và nước sạch. Trường hợp không bố trí được điểm rửa tay thì phải có dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.
- Có thùng màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Tất cả các loại chất thải phát sinh trong khu vực cách ly đều được coi là chất thải lây nhiễm.
4.1.2. Đường ra vào và điểm khử khuẩn
- Bố trí đường ra vào phù hợp cho phương tiện vận chuyển.
- Nơi/điểm khử khuẩn bố trí gần cổng ra vào hoặc lối ra vào. Bố trí nơi/điểm rửa tay có sẵn xà phòng và nước sạch. Trường hợp không bố trí được điểm rửa tay thì phải có dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.
- Tất cả các phương tiện vận chuyển, dụng cụ/túi đựng chất thải, đồ vải phải được khử khuẩn bề mặt bằng dung dịch chứa 0,05% Clo hoạt tính trước khi ra khỏi khu vực cách ly.
- Đối với máy móc, thiết bị y tế thì khử khuẩn bề mặt bằng cách lau bằng cồn 70 độ trước khi ra khỏi khu vực cách ly.
4.1.3. Khoanh vùng khu vực cách ly
Khoanh vùng khu vực cách ly bằng hàng rào mềm hoặc hàng rào cứng tùy theo điều kiện.
4.1.4. Bố trí các phân khu trong khu vực cách ly
a) Phân khu dành cho người bệnh được cách ly:
- Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của khu vực cách ly, Thủ trưởng đơn vị tổ chức, sắp xếp lại các buồng, phòng theo nguyên tắc người có cùng nguy cơ được bố trí vào cùng phòng, những người bệnh có nguy cơ thấp hơn được bố trí vào phòng khác; bố trí phòng đệm để nhân viên y tế thay đồ, khử khuẩn trước khi ra khỏi khu vực cách ly.
- Nếu cần thiết, Thủ trưởng đơn vị có thể trưng dụng các khoa/phòng liền kề hoặc trong cùng khu vực để phục vụ việc cách ly.
b) Các yêu cầu về buồng phòng, sắp xếp giường bệnh, vệ sinh khử khuẩn, thông khí, phương tiện bảo vệ cá nhân, xử lý chất thải và các dụng cụ cần thiết khác để phòng tránh lây nhiễm bệnh COVID-19 trong khu vực cách ly được thực hiện theo Quyết định số 468/QĐ-BYT .
c) Bố trí và đảm bảo các điều kiện ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ y tế được cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu bố trí được khách sạn lưu trú cho cán bộ y tế ngoài giờ làm việc thì thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định 1462/QĐ-BYT.
d) Đảm bảo điều kiện ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân nặng hoặc các trường hợp phải cách ly khác.
đ) Đảm bảo cung cấp các dịch vụ (ăn uống, giặt là, vận chuyển và xử lý chất thải,...) để duy trì hoạt động của khu vực cách ly. Dừng cung cấp dịch vụ trong trường hợp có ca bệnh thuộc đơn vị/khu vực cung cấp dịch vụ.
e) Khu vực tiếp nhận đồ tiếp tế
- Tại trạm gác, thiết lập 1 bàn tiếp nhận đồ tiếp tế gửi vào cho người được cách ly.
- Người tiếp tế đến đăng ký với người bảo vệ trực và để đồ tiếp tế tại bàn tiếp nhận, trong đó ghi rõ tên, tuổi người tiếp nhận và người tiếp tế.
- Nghiêm cấm mang vật dụng của người cách ly ra khỏi khu vực cách ly khi chưa được khử khuẩn.
4.1.5. Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong khu vực cách ly
- Cơ sở khám, chữa bệnh triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong khu vực cách ly.
- Người đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cách ly được phép vào, ra khu vực cách ly khi thực thi công vụ hoặc được phép di chuyển từ khu vực cách ly đến khu vực nghỉ tập trung được chỉ định và phải tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống lây nhiễm.
4.1.6. Xử lý các trường hợp tử vong do mắc COVID-19:
- Không tổ chức lễ tang để phòng chống lây nhiễm.
- Xử lý thi hài theo hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 495/BYT-MT ngày 06/02/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế và xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV (sau đây gọi tắt là Công văn số 495/BYT-MT).
4.2. Đối với quy mô toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh
4.2.1. Trạm gác
- Bố trí trạm gác ở cổng hoặc các lối ra vào cơ sở khám, chữa bệnh. Trạm gác có bảo vệ trực 24/24 giờ hàng ngày do lực lượng công an và bảo vệ/lực lượng an ninh tại cơ sở khám, chữa bệnh đảm nhiệm.
- Tuyệt đối không cho phép những người không có nhiệm vụ vào cơ sở khám, chữa bệnh.
- Đặt biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “KHU VỰC CÁCH LY Y TẾ - KHÔNG NHIỆM VỤ MIỄN VÀO”.
- Những người ra, vào cơ sở khám, chữa bệnh phải được đo thân nhiệt.
- Bố trí điểm rửa tay với xà phòng và nước sạch. Trường hợp không bố trí được điểm rửa tay thì phải có dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.
- Có thùng màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi màu vàng đựng chất thải lây nhiễm, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”. Tất cả các loại chất thải phát sinh trong cơ sở khám, chữa bệnh đều được coi là chất thải lây nhiễm.
4.2.2. Đường ra vào và điểm khử khuẩn phương tiện vận chuyển
- Bố trí đường ra vào phù hợp cho phương tiện vận chuyển.
- Nơi/điểm khử khuẩn bố trí gần cổng ra vào hoặc lối ra vào. Bố trí nơi/điểm rửa tay có sẵn xà phòng và nước sạch. Trường hợp không bố trí được điểm rửa tay thì phải có dung dịch sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn.
- Tất cả các phương tiện, đồ vật vận chuyển ra, vào cơ sở khám, chữa bệnh phải được khử trùng bằng dung dịch chứa 0,05% Clo hoạt tính.
4.2.3. Khoanh vùng cách ly
Khoanh vùng cơ sở khám, chữa bệnh phải cách ly bằng hàng rào cứng.
4.2.4. Bố trí các phân khu trong cơ sở khám, chữa bệnh
Ngay sau khi ban hành quyết định cách ly toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thủ trưởng đơn vị phải thực hiện ngay những nội dung sau:
- Ngừng hoạt động của khu vực khám bệnh ngoại trú, điều chuyển người bệnh đang được quản lý điều trị ngoại trú không có nguy cơ mắc COVID-19 sang các cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn. Trong trường hợp các cơ sở khám, chữa bệnh khác không đủ điều kiện để điều trị các trường hợp đặc thù như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và một số trường hợp đặc biệt khác thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh cho phép cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục điều trị cho bệnh nhân, đồng thời cơ sở phải xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo phòng chống lây nhiễm COVID-19 trong quá trình vận chuyển bệnh nhân ra vào và điều trị hằng ngày.
- Thiết lập lại các khu vực chức năng của cơ sở khám, chữa bệnh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện việc cách ly, không làm lây lan dịch bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh và ra ngoài cộng đồng, duy trì hoạt động khám, chữa bệnh nội trú, tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân nặng (nếu là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến cuối và được Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho phép).
- Xây dựng quy trình và tiếp tục thực hiện tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng đến từ tuyến dưới và quy trình vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở khám, chữa bệnh khác bảo đảm phòng lây nhiễm khi được sự cho phép của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh.
- Đảm bảo các điều kiện ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ y tế được cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu bố trí được khách sạn lưu trú cho cán bộ y tế ngoài giờ làm việc thì thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định 1462/QĐ-BYT.
- Có phương án đảm bảo điều kiện ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân nặng hoặc các trường hợp khác phải cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh.
- Đảm bảo cung cấp các dịch vụ (ăn uống, giặt là, vận chuyển và xử lý chất thải, vận chuyển bệnh nhân,...) để duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh. Dừng cung cấp dịch vụ trong trường hợp ca bệnh thuộc đơn vị/khu vực cung cấp dịch vụ.
4.2.5. Các yêu cầu về buồng phòng, sắp xếp giường bệnh, vệ sinh khử khuẩn, thông khí, phương tiện bảo vệ cá nhân, xử lý chất thải và các dụng cụ cần thiết khác để phòng tránh lây nhiễm bệnh COVID-19 trong khu vực cách ly được thực hiện theo Quyết định số 468/QĐ-BYT .
4.2.6. Khu vực tiếp nhận đồ tiếp tế
- Tại trạm gác, thiết lập bàn tiếp nhận đồ tiếp tế gửi vào cho người được cách ly.
- Người tiếp tế đến đăng ký với người bảo vệ trực và để đồ tiếp tế tại bàn tiếp nhận, trong đó ghi rõ tên, tuổi người tiếp nhận và người tiếp tế.
- Nghiêm cấm mang vật dụng của người cách ly ra khỏi cơ sở khám, chữa bệnh khi chưa được khử khuẩn.
4.2.7. Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong cơ sở khám, chữa bệnh
- Cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan công an địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong cơ sở khám, chữa bệnh.
- Đảm bảo công tác phòng chống cháy nổ trong cơ sở khám, chữa bệnh.
- Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người trong cơ sở khám, chữa bệnh.
- Người đang thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở khám, chữa bệnh được phép vào, ra cơ sở khám, chữa bệnh khi thực thi công vụ hoặc được phép di chuyển từ cơ sở khám, chữa bệnh đến khu vực ăn, nghỉ tập trung ngoài cơ sở khám, chữa bệnh được chỉ định và phải tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống lây nhiễm.
4.2.8. Xử lý các trường hợp tử vong:
- Không tổ chức lễ tang để phòng chống lây nhiễm.
- Xử lý thi hài theo hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 495/BYT-MT .
G. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 BỘ, NGÀNH
- Ban hành hoặc ủy quyền ban hành quyết định thiết lập cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, ngành và quyết định kết thúc cách ly.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hướng dẫn này đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ, ngành.
II. BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 CẤP TỈNH
- Ban hành hoặc ủy quyền ban hành quyết định thiết lập cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương và quyết định kết thúc cách ly.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hướng dẫn này đối với các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
III. CÁC BỘ, NGÀNH
- Chỉ đạo, phổ biến và bố trí nguồn lực các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc triển khai hướng dẫn này.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
IV. ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
1. Chỉ đạo các Sở, ban ngành, đơn vị có liên quan:
- Phổ biến và bố trí nguồn lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của địa phương triển khai hướng dẫn này.
- Tạo điều kiện và hỗ trợ các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ, ngành nằm trên địa bàn quản lý thực hiện tốt hướng dẫn này.
2. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
V. SỞ Y TẾ
- Chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn và bố trí nguồn lực cho các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện hướng dẫn này.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
VI. TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT/TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG CẤP TỈNH
- Tập huấn hướng dẫn này cho các cơ sở khám, chữa bệnh nằm trên địa bàn địa phương.
- Phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh nằm trên địa bàn địa phương triển khai hướng dẫn này.
- Tổ chức thực hiện công tác y tế và khử trùng, xử lý môi trường ổ dịch theo quy định.
VII. CƠ QUAN CÔNG AN, DÂN PHÒNG ĐỊA PHƯƠNG
- Phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí trạm gác ở cổng và các lối ra vào.
- Bố trí cán bộ làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại trạm gác và thực hiện các công việc cưỡng chế cách ly (nếu có).
VIII. CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH
1. Xây dựng phương án và kế hoạch cách ly khi có ca bệnh tại đơn vị, trong đó có lập danh sách và lên kế hoạch phân công nhân viên y tế làm theo ca, kíp để thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại bệnh viện. Lập danh sách người được phép ra vào khu vực cách ly.
2. Ban hành quyết định cách ly với quy mô khoa, phòng, quy mô liên khoa, phòng và quyết định kết thúc cách ly.
3. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Trung tâm Y tế dự phòng cấp tỉnh tiến hành điều tra dịch tễ:
- Để xác định quy mô cách ly
- Lập danh sách người bệnh đã đến khám, điều trị ngoại trú, nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong khoảng thời gian có liên quan dịch tễ để thông báo cho cơ quan y tế địa phương thực hiện cách ly theo quy định;
- Lập danh sách tất cả sinh viên, học sinh, học viên đến học tập tại cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian dịch tễ để thông báo cho cơ quan y tế địa phương quản lý và thực hiện cách ly theo quy định.
- Báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh trong trường hợp quy mô cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh để ban hành quyết định cách ly.
4. Phối hợp với lực lượng công an, dân phòng địa phương thiết lập trạm gác và đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở khám, chữa bệnh.
5. Bố trí khu vực cách ly, đảm bảo các điều kiện ăn uống, sinh hoạt cho cán bộ y tế được cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Trường hợp bố trí được khách sạn lưu trú cho cán bộ y tế ngoài giờ làm việc thì thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định 1462/QĐ-BYT.
6. Đảm bảo điều kiện ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân nặng hoặc các trường hợp phải cách ly khác.
7. Thông tin, truyền thông về việc thực hiện cách ly cho người được cách ly yên tâm và phối hợp thực hiện đầy đủ.
8. Trường hợp quy mô cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh:
- Ngừng tiếp nhận việc khám bệnh ngoại trú, điều chuyển người bệnh đang được quản lý điều trị ngoại trú không có nguy cơ mắc COVID-19 sang các cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn hoặc tiếp tục điều trị đối với một số trường hợp đặc thù như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và các trường hợp đặc biệt khác theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh.
- Tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch từ tuyến dưới lên theo chỉ định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh.
- Xây dựng quy trình đảm bảo phòng chống lây nhiễm COVID-19 trong quá trình vận chuyển bệnh nhân ra vào, tiếp nhận cấp cứu và điều trị hằng ngày.
9. Tổ chức triển khai thực hiện hướng dẫn này./.